CÁI CON THÍCH LÀ “SỰ KHÁC BIỆT”, MẸ CÓ HIỂU KHÔNG, THẬM CHÍ LÀ “SỰ TÁCH BIỆT”
“Những đứa trẻ bao giờ cũng có lý do của nó để mà trở nên chối tỉ tỉ mỏi trong mắt những người lớn như mẹ, nhất là những đứa trẻ đã bước qua tuổi lên mười. Và mẹ chẳng bao giờ hiểu được đâu, nếu mẹ không cùng con trở lại tuổi thơ, và mặt mẹ cứ suốt ngày chả bơ ra như thế.”
11 tuổi, Tí Chổi có một vài cơ hội bước ra khỏi 4 bức tường, thoát khỏi “Bà mẹ Camera” Chối Tỉ lúc nào cũng giám sát đe nẹt và buồn “chảy nhão”. Có những người bạn quan trọng trong mơ gọi là “nhị vị ngũ quậy” cực kỳ thân thiết, ăn – chơi – phiêu lưu – tán dóc đều hợp tuyệt cú mèo xì dầu, những người ngoài hành tinh nghịch ngợm, đáng yêu, lạ kỳ, hấp dẫn.
Trong tập 2 – Bức thư kỳ lạ của Áo choàng, chúng ta vẫn sẽ bắt gặp những điều thú vị về một đời sống thường nhật của hai mẹ con như vì sao trẻ con ghét đánh răng, vì sao phụ nữ thích mua sắm, khi bố mẹ chia tay thì thế nào, ước mơ bay lên cùng áo choàng… Cùng với đó càng lớn,Tí Chổi càng cảm thấy mẹ bị cuộc sống kéo ra xa mình, mẹ chưa đủ để làm một người bạn và chưa đủ để thỏa mãn những băn khoăn cần được giải đáp. Sự xuất hiện của người bạn Áo Choàng như một bù đắp, đưa cô bé Tí Chổi đến với một thế giới khác.
Ngoài mối quan hệ mẹ – con, mối quan hệ tác giả – nhân vật luôn được hoán đổi, Tí Chổi là nhân vật của mẹ và mẹ lại là nhân vật của Tí Chổi, hai nhân vật “nghiên cứu” về nhau và tìm cách “dạy dỗ” cũng như “chế giễu” nhau, qua đó không ngừng vẽ lên chân dung và tìm thấy mình trong sự nhìn nhận của “đối phương”.
Lí lẽ của một cô bé tưởng chừng chỉ là những câu nói vu vơ hồn nhiên trẻ thơ “… chúng ta là thơ bé/ Hãy tưởng tượng nhiều đi, mơ ước nhiều đi/ Hãy bay lên bay lên cao mãi/ Chúng ta làm những gì ta thích/ Mọi việc chúng ta làm, chỉ là trò chơi…”, sẽ làm người lớn, những bậc phụ huynh chúng ta phải suy nghĩ. Trong cuộc sống ta phải làm gì, làm sao để có thể sống vui vẻ nhẹ nhàng, làm sao để làm chủ cuộc sống? Câu trả lời sẽ có trong Bức thư kỳ lạ của Áo Choàng nhé.