Mặt biển không ngừng cuộn sóng, những con sóng dữ tợn nối tiếp nhau, xô quật vào mạn thuyền, con thuyền Có chúng tôi đây! chao đảo như thể có một bàn tay khổng lồ vô hình nào đó trồi lên giữa biển khơi, đang hào hứng rung lắc thật mạnh cột buồm chính. Nếu giờ này Harvey vẫn còn đang ở trên chiếc du thuyền sang trọng kia, hẳn cậu sẽ không bao giờ được trực tiếp cảm nhận sự hùng vĩ của đại dương cũng như sự can trường của những người đánh cá vẫn ngày ngày đối mặt với những hiểm nguy nơi biển cả, thậm chí không quản cái chết cận kề.
Sau khi ngã xuống biển vì say sóng rồi được thuyền đánh cá Có chúng tôi đây! cứu sống và cưu mang, nhận được bài học nhớ đời từ thuyền trưởng Troop, từ một cậu ấm đích thực, Harvey phút chốc trở thành một thiếu niên trưởng thành và gan dạ. Chỉ sau vài tuần, cậu thành thạo như thể từ lâu cậu đã là một phần của con thuyền này vậy. Harvey rất lấy làm tự hào về điều này và nhận định con thuyền Có chúng tôi đây! không chỉ cứu sống một mạng người, mà còn cứu rỗi cả một tâm hồn đang trực chờ đứng trước bờ vực thẳm!
——–
Rudyard Kipling (1865 – 1936) là nhà văn và nhà thơ nổi tiếng người Anh, sinh ra ở Ấn Độ. Ông được xem là “Nhà cách tân lớn cho nghệ thuật truyện ngắn” và là tác giả của những tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi. Vào năm 1907, ông nhận giải Nobel Văn học, cho đến nay ông vẫn là người trẻ tuổi nhất đạt được giải thưởng này.
Tác phẩm chính:
– The Jungle Book (Câu chuyện rừng xanh, 1894)
– The Second Jungle Book (Câu chuyện rừng xanh 2, 1895)
– Captains Courageous (Những thuyền trưởng can đảm, 1897)
– Just So Srories (Tạm dịch: Chuyện là như thế, 1902)
– Puck of Pook’s Hill (Tạm dịch: Quả bóng từ đồi Pook, 1906)
####