Không chỉ là vật mang tính biểu tượng, đại diện cho một quốc gia, bên trong mỗi lá cờ tổ quốc còn ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị liên quan tới văn hóa, lịch sử.
Từ khi vải vóc chưa ra đời, người cổ đại đã dùng da thú để làm cờ, nhằm mục đích đánh dấu lãnh thổ. Sau này, do sự phát triển của xã hội, lá cờ trở thành một vật biểu trưng thông dụng đại diện cho các quốc gia. Người ta thường gọi những lá cờ đặc biệt ấy bằng một cái tên rất trang trọng: Quốc kỳ.
Mỗi lá quốc kỳ đều mang trong mình nhưng câu chuyện lý thú. Dù mang màu sắc giản đơn, hay có nhiều hoa văn, hình vẽ cầu kỳ, lá quốc kỳ cũng chứa đựng một phần lịch sử của các dân tộc.
Những câu chuyện hấp dẫn ấy được hai tác giả người Pháp Emmanuelle Kecir-Lepetit và Claire Wortemann kể lại qua cuốn sách Khám phá quốc kỳ trên thế giới.
Sách Khám phá quốc kỳ trên thế giới của hai tác giả người Pháp Emmanuelle Kecir-Lepetit và Claire Wortemann. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Quốc kỳ không chỉ là một lá cờ
Cuốn sách này sẽ đem tới cho độc giả nhỏ tuổi thông tin về 194 lá quốc kỳ trên thế giới. Ngoài hình minh họa về 194 lá cờ của 194 quốc gia trên thế giới, cuốn sách còn mang đến nhiều thông tin thú vị liên quan lịch sử, văn hóa của các nước trên thế giới. Có thể nói, lá quốc kỳ là trang sử thu nhỏ của một quốc gia.
Nhiều người thường hay nhầm lẫn khi phải phân biệt quốc kỳ của các nước trên thế giới. Bởi có những lá quốc kỳ có màu sắc, hoặc hình vẽ gần giống nhau. Quốc kỳ của Pháp, Hà Lan và Nga đều được tạo nên từ ba dải màu: Lam, trắng đỏ. Chỉ có điều, thứ tự và cách sắp xếp của chúng trên quốc kỳ của từng nước là khác nhau.
Nếu tìm hiểu kỹ về quốc kỳ của các nước ở “châu lục già” các độc giả nhí sẽ thấy ba màu lam, trắng, đỏ rất được ưa chuộng. Ngoài ba đất nước kể trên, quốc kỳ của một số nước cũng được tạo nên từ ba màu này. Đó là lý do khiến nhiều người dễ nhầm lẫn khi phân biệt quốc kỳ của các nước châu Âu.
Nếu nói về điểm giống nhau trên quốc kỳ của các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không thể bỏ qua câu chuyện về quốc kỳ của 5 nước ở châu Âu là: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Trên 5 lá cờ này đều có biểu tượng thập tự Bắc Âu.
Biểu tượng chữ thập xuất hiện trên quốc kỳ của nhiều nước Bắc Âu. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Lịch sử thu nhỏ của một quốc gia
Không phải ngẫu nhiên mà một biểu tượng, hình vẽ hay màu sắc nào đó được đặt lên lá quốc kỳ. Mỗi màu sắc, hình ảnh, biểu tượng trên lá cờ thiêng liêng ấy đều mang những ý nghĩa riêng.
Quốc kỳ của Hà Lan được xem là lá quốc kỳ hiện đại đầu tiên trên thế giới. Ra đời vào thế kỷ 16, cùng những ý nghĩa đặc biệt liên quan đến lịch sử, nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia châu Âu khác. Có thể nói, sự ảnh hưởng và giao thoa về văn hóa và lịch sử có tác động không nhỏ đến việc chọn màu sắc trên quốc kỳ.
Nếu quốc kỳ của các nước châu Âu khá đơn giản thì quốc kỳ của các nước ở “lục địa đen” lại nhiều hình, màu hơn. Ngoài các màu sắc ấm nóng như đỏ và vàng, nhiều nước ở châu lục này quyết định đem hình ảnh các con vật lên quốc kỳ. Điều này xuất phát từ việc người châu Phi luôn tự hào về thiên nhiên trù phú của quê hương mình.
Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới; đặc biệt là các nước từng trải qua chiến tranh giành độc lập. Bởi thế, quốc kỳ của Việt Nam thể hiện lòng tự hào dân tộc sâu sắc.
Khám phá quốc kỳ trên thế giới là một cuốn sách rất thú vị. Với cách dẫn dắt tự nhiên, hai tác giả Emmanuelle Kecir-Lepetit và Claire Wortemann đã khéo léo lồng ghép vào trong sách những kiến thức bổ ích về lịch sử, địa lý và tự nhiên của các quốc gia trên thế giới.
Nhờ vậy, bạn đọc nhỏ có thể thu nạp tri thức ở nhiều lĩnh vực một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.