Hồ Biểu Chánh (1/10/1885 – 4/11/1958) tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Hồ Biểu Chánh là bút hiệu được ông ghép từ họ và tên tự.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ phải chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Sau này nhờ chăm chỉ học hành, ông thi đậu bằng Thành chung rồi làm việc cho chính phủ Pháp, dần dần được thăng tới chức Đốc phủ sứ.
Ông bước chân vào làng văn từ rất sớm, bắt đầu bằng việc học chữ Hán và dịch truyện Tàu, kế đó sáng tác thêm ở rất nhiều thể loại như truyện thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo, tùy bút phê bình, kịch bản tuồng… Cho đến khi mất, ông đã để lại cho đời một gia tài văn chương đồ sộ với hơn 100 tác phẩm, trong đó có 64 cuốn tiểu thuyết, hầu hết đều được công chúng đón nhận hết sức nồng nhiệt.
—
Thu Vân nghe tiếng con nói dường như tỉnh giấc mộng, nên vùng đứng dậy rồi dắt con đi lại xe. Đi mới được vài bước, cô lại đứng lại, ngó mong phía tàu chạy, lấy khăn lau nước mắt rồi thở ra. Thu Cúc thấy mẹ như thế thì cũng buồn nhiến trong lòng, nên đứng nắm tay mẹ không biểu về nữa. Mẹ con đứng ngó trước mặt thì thấy dưới sông minh mông dòng nước, trên trời mù mịt vừng mây, người đã buồn mà cảnh lại thêm buồn, nước minh mông đưa khách biệt ly, mây mịt mù che người lưu lạc… Hai mẹ con nhìn cảnh và nhìn nhau mà khóc, khóc một hồi nữa rồi mới chịu lên xe về.