Kể lại câu chuyện của ký ức bằng những ngôn từ mộc mạc nhưng không kém phần thú vị, tác giả Tuyền Nguyễn đã đưa độc giả trở lại với những năm tháng tuổi thơ đầy màu sắc qua cuốn sách nhỏ: “Bao giờ cho đến ngày xưa.”
Với chủ đề về đồng quê và tuổi thơ, truyện dài Bao giờ cho đến ngày xưa của Tuyền Nguyễn giống như một gia vị lạ trong nhiều tản văn, truyện ngắn luôn tràn ngập các hiệu sách trong những năm gần đây.
Cuốn sách được viết từ những cảm xúc và kỉ niệm của cô bé Tuyền khi phải xa gia đình từ lúc còn nhỏ để về sống với gia đình chú Sáu khi bà Ngoại qua đời. Ở nơi thôn quê chân chất này, cô bé có những người bạn mới cùng những tháng ngày không thể nào quên. Mỗi chương là một câu chuyện hồn nhiên của tuổi thơ đầy sinh động trên cánh đồng làng quê Việt Nam khiến người đọc cảm thấy gần gũi như tìm thấy một phần ký ức của mình trong đó.
Trong vùng ký ức tuổi thơ ấy, có những trò quậy tưng đầy tiếng cười hồn nhiên, có những “chiến hữu” nghịch ngợm như Tú, như Kha, Hận hay Đông; có cả những tiếng cười trong vắt như màu trời những trưa hè xanh ngắt,… Và trong miền nhớ ấy còn có cả màu hoa hành trắng ngần mà một cậu bé mà đã bất chấp đòn roi chạy đến tặng cô bé mình thầm mến trong đêm sinh nhật; trong đó cũng chứa đựng hình ảnh một cậu bạn ngồi lẻ loi trên gò đất ngập sắc hoa vàng, dõi mắt ra con đường quê hun hút đợi cô bạn năm xưa trở về…
Giữa miền nhớ da diết của tuổi ô mai ấy là chất chứa những vui buồn của những ngày xưa mà chắc chắn không chỉ mỗi cô bé Tuyền cảm thấy da diết khi nhớ lại.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Tuyền Nguyễn trải lòng: “Tôi viết lại truyện này khi đã bỏ lại quá xa sân ga tuổi thơ của mình. Nhưng khi những dòng chữ nối đuôi nhau ùa ra trang giấy, từng dòng cảm xúc cũng theo đó tuôn ra, trái tim tôi nhưng sống lại buồn vui, giận hờn của từng nhân vật trong ấy. Cảm tưởng như mình một lần nữa được sống lại tuổi thơ của chính mình.
Bởi là truyện nên có phần hư cấu, bởi là truyện nên có phần nên thơ và mộng mơ hơn đời thật rất nhiều. Tôi lội ngược dòng thời gian tìm về thời thơ bé, để sống lại cho mình những gì chưa trọn vẹn của năm xưa.”