Hồ Biểu Chánh (1/10/1885 – 4/11/1958) tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Hồ Biểu Chánh là bút hiệu được ông ghép từ họ và tên tự.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ phải chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Sau này nhờ chăm chỉ học hành, ông thi đậu bằng Thành chung rồi làm việc cho chính phủ Pháp, dần dần được thăng tới chức Đốc phủ sứ.
Ông bước chân vào làng văn từ rất sớm, bắt đầu bằng việc học chữ Hán và dịch truyện Tàu, kế đó sáng tác thêm ở rất nhiều thể loại như truyện thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo, tùy bút phê bình, kịch bản tuồng… Cho đến khi mất, ông đã để lại cho đời một gia tài văn chương đồ sộ với hơn 100 tác phẩm, trong đó có 64 cuốn tiểu thuyết, hầu hết đều được công chúng đón nhận hết sức nồng nhiệt.
—
“Lời thánh hiền! Lời thánh hiền hay là hay hồi đời thánh hiền đó kìa, chớ theo bây giờ thì em coi dở quá, mà mình làm theo lại hại cho mình nữa chớ. Thầy nghĩ đó coi, như thánh hiền xưa nói “hoạnh tài bất phú”, trời ơi, sao lại bất phú? Không nhọc sức mà được tiền, thì là sướng lắm, mà hễ được tiền thì làm giàu ngay, tại sao mà nói bất phú? Còn câu “tiền tài như phấn thổ” thì sai nhiều nữa. Tiền tài là tiền tài, chớ tiền tài như phấn thổ sao được. Em nhớ câu “nhơn nghĩa thắng thiên kim” em bắt tức cười. Ðời nầy nhơn nghĩa thắng thiên kim không nổi đâu. Mình nghèo mình nói nhơn nghĩa ai thèm nghe chớ, họ có thiên kim họ nói bậy thiên hạ cũng dạ rân. Lại có câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, thầy xét cho kĩ mà nói, nghèo mà sạch giống gì, rách mà thơm sao được, phải giàu người ta mới khen sạch, phải lành người ta mới khen thơm chớ.”